Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chuyện về vị tiến sĩ đầu tiên của Hà Nam

Lịch sử - Văn hóa  
Chuyện về vị tiến sĩ đầu tiên của Hà Nam
Mảnh đất Hà Nam trong dòng chảy truyền thống văn hiến và hiếu học qua nhiều đời đã sản sinh không ít nhân tài. Trong số 53 danh nhân đỗ đạt cao ở 36 khoa thi, người "mở đầu" cho truyền thống khoa bảng ấy bằng học vị Thái học sinh (năm 1125) là Cương Công - Lý Công Bình (làng Thanh Nghĩa, xã Đồn Xá, huyện Bình Lục).

Theo thống kê, kể từ khoa thi đầu tiên (năm 1075, niên hiệu Thái Ninh thời Lý Nhân Tông) đến khoa thi cuối cùng dưới triều đại phong kiến (năm 1919 thời vua Khải Định), Hà Nam có 53 danh nhân đỗ đạt cao ở 36 khoa thi mà người "mở đầu" cho truyền thống khoa bảng ấy bằng học vị Thái học sinh (năm 1125) là Cương Công - Lý Công Bình (làng Thanh Nghĩa, xã Đồn Xá, huyện Bình Lục). Bao đời nay, câu chuyện về quê hương, về bậc tiền nhân tôn kính Lý Công Bình luôn được dân làng Thanh Nghĩa khắc ghi, lưu truyền bằng lòng tự hào, biết ơn vô hạn.  

Thanh Nghĩa từ xa xưa đã được biết đến, được truyền tụng là ngôi làng đẹp bởi vị trí "địa linh", phong cảnh hữu tình, lòng người thuần hậu. Thời vua Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông (1072 - 1138), làng Thanh Nghĩa có ông bà Nguyễn Danh Khang, Trương Thị Nguyệt nhiều đời chuyên tâm làm việc thiện, tu nhân, tích đức. 

Năm Tân Dậu (1081), vào mùa Đông tháng mười, ngày hăm nhăm, bà Trương Thị Nguyệt sinh người con trai mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, ông bà cả mừng đặt tên là Cương Công. Bảy tuổi Cương Công đã bộc lộ rõ sự thông minh, sáng dạ, học một biết mười, lên mười một tuổi đã ra dáng một tráng nhi văn võ toàn tài. Năm 1125, triều đình mở khoa thi kén chọn người tài, Cương Công xin cha mẹ ứng thí và đỗ luôn Đệ Nhị Hoàng Giáp,(*) trở thành vị tiến sĩ đầu tiên của Hà Nam.

dinh lang.jpg

Đình làng Thanh Nghĩa. Ảnh: Đan Vũ

Năm Mậu Thân 1128, vua Lý Thần Tông cho vời Đệ Nhị Hoàng Giáp Cương Công vào triều. Thấy Cương Công dung mạo khôi ngô, phong thái khoan thai, đĩnh đạc, trí lực toàn tài, nhà vua vô cùng mừng vui bèn se duyên, tác mối gả con gái là Lan Hoa công chúa cho và ban quốc tính đổi họ tên phò mã Cương Công thành Lý Công Bình. 

Phò mã Cương Công - Lý Công Bình lạy tạ rồi xin nhà vua rước Lan Hoa công chúa về quê bái yết gia tiên, ra mắt cha mẹ, họ mạc. Ông bà Nguyễn Danh Khang, Trương Thị Nguyệt cùng dân làng Thanh Nghĩa mừng vui khôn xiết, mở hội ăn mừng. 

Ít lâu sau thân phụ, thân mẫu Lý Công Bình cùng đột ngột qua đời, Lan Hoa công chúa xót thương vô cùng, hết lòng lo liệu chu tất mọi việc rồi xin vua cha ở lại quê chồng chịu tang cho trọn đạo dâu con. Sẵn lòng thảo hiền và ý nguyện góp sức hộ quốc, an dân, Lan Hoa công chúa nhất mực chăm lo, truyền dạy dân chúng Thanh Nghĩa cung cách làm ăn, lại dốc lòng bỏ tiền của tôn tạo đường sá, cầu cống, mở mang chợ, nhờ vậy quê hương Thanh Nghĩa đồng ruộng tốt tươi, xóm làng trù mật, no ấm.

Mấy năm sau, đất nước có ngoại bang xâm lấn, vua Lý Thần Tông triệu phò mã Lý Công Bình cùng Lan Hoa công chúa về triều bàn việc. Vua phong Lý Công Bình là đại tướng, cấp 10 vạn quân, lại thuận theo ý con gái cấp cho Lan Hoa 3 vạn binh để cùng chồng đi dẹp giặc ngoại bang, giữ yên bờ cõi. 

Lập công hiển hách, Lý Công Bình cùng Lan Hoa công chúa được vua ban thưởng, cho lập ấp ở phủ Lý Nhân. Công việc đại sự còn dở dang thì Lan Hoa công chúa đột ngột qua đời. Vua Lý Thần Tông vô cùng thương xót, bèn cho phò mã Lý Công Bình về quê hương Thanh Nghĩa lập đền phụng thờ. Lý Công Bình xây đền, tự tay viết bài vị, lại bày tỏ tâm nguyện với dân làng Thanh Nghĩa rằng sau này khi qua đời sẽ được viết bài vị thờ cùng hiền thê công chúa.

Sau khi Lý Thần Tông băng hà (năm 1138), Lý Anh Tông lên ngôi kế vị lại cho vời Lý Công Bình vào triều cùng chăm lo chính sự, góp sức vun đắp nền thịnh trị, thái bình.

Khắc nhớ công ơn cha mẹ sinh thành, ghi tạc nghĩa tình phu thê sâu nặng, Đại tướng Lý Công Bình về quê ban tiền của mua ruộng làm đất công, lập lệ cho dân làng thờ tự lâu dài. Mọi việc chu tất, ngài đem theo vài chục gia nhân đi hộ vệ tìm về Quyền Châu thăm lại chiến trường xưa, nơi đã cùng Lan Hoa lập công lớn. 

Đúng mùng 10 tháng 10 năm Tân Dậu (1141), ngài đến đỉnh núi Lĩnh Sơn ngoạn cảnh, trời bỗng thình lình nổi mưa to, gió lớn, Lý Công Bình - Cương Công thoắt cái hiển linh hóa thánh… Gia nhân theo hầu vội về tâu với Lý Anh Tông, nhà vua bàng hoàng trước sự lạ, lập tức phong sắc "Thượng đẳng phúc thần" và sức cho dân làng Thanh Nghĩa lập ngôi thờ phụng để muôn đời ghi tạc công lao, ân đức. 

Dân làng Thanh Nghĩa lập bài vị, tôn trí Thiên Cương Đại Vương Lý Công Bình tại đình làng trên thế đất đẹp, phía trước trông ra hồ nước thoáng đãng xen lẫn những tán cây cổ thụ bốn mùa tỏa bóng sum suê, xanh mát. 

Đình làng Thanh Nghĩa thờ Thiên Cương Đại Vương Lý Công Bình(**) hàng trăm năm nay nổi tiếng xa gần bởi kiến trúc độc đáo (theo lối nội công, ngoại kích, 5 nóc, 10 mái, 17 gian, 52 cột) và bởi nét dáng cổ kính, hài hòa giữa khung cảnh làng quê thanh bình. Bốn cây cầu đá (niên đại gần ba trăm năm) ở bốn vị trí đẹp nơi chợ Nghĩa, đình, chùa và cánh đồng Triều Quan (đất công điền vua ban gần đền thờ Lan Hoa công chúa) cùng hồ nước hướng trước đình, dòng sông phía ngoài làng… càng làm cho mảnh đất nơi đây thêm trù mật, hữu tình. 

Những năm trước Cách mạng Tháng Tám, rồi kháng chiến chống Pháp, đình, chùa Thanh Nghĩa, đền thờ Lan Hoa công chúa là nơi liên lạc, hội họp của cán bộ, nơi diễn ra cuộc bầu cử đầu tiên của chính quyền cách mạng, nơi mở lớp bình dân học vụ, đưa tiễn thanh niên lên đường tòng quân đánh giặc.

donxabl.jpg

Xã Đồn Xá, huyện Bình Lục. Ảnh: Google Maps

Trân trọng gìn giữ vốn văn hóa truyền thống, nhân lên niềm tự hào về lịch sử quê hương, ghi nhớ công đức của tiền nhân, hằng năm đúng dịp ngày sinh Thiên Cương Đại Vương Lý Công Bình (25 tháng 10), việc tế lễ tri ân được chức dịch, dân làng Thanh Nghĩa chăm lo rất chu tất, trọng hậu. Và rồi "đến hẹn lại lên", cứ ba năm một kỳ, hội làng Thanh Nghĩa với đầy đủ lề tục rước xách, tế lễ, hội hè… lại được náo nức mở ra, như thêm một lần khắc ghi, truyền tụng lề xưa, tích cũ để con cháu thêm tường tận về truyền thống lịch sử cha ông, thêm vững dạ, đồng lòng góp sức kiến thiết quê hương. Khắc ghi công lao của tiền nhân, danh xưng Thiên Cương Đại Vương Lý Công Bình - vị tiến sĩ đầu tiên của miền đất núi Đọi - sông Châu Hà Nam đã được trân trọng đặt cho một tuyến đường ở thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục).

Tự hào với truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông, nhiều năm nay, bà con 23 dòng họ dân làng Thanh Nghĩa thuộc tám giáp xưa, năm xóm nay luôn đoàn kết đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Khi Hội Khuyến học Thanh Nghĩa và chi hội khuyến học của quá nửa số dòng họ xóm Lũng, xóm Dưới, xóm Trong, xóm Chùa, xóm Ảm luôn chăm lo, động viên con cháu tu dưỡng, học hành theo gương danh nhân Tiến sĩ Lý Công Bình. Càng vui hơn khi những công trình phúc lợi dân sinh cùng những di tích lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn truyền thống hiếu học và tâm linh của làng Thanh Nghĩa luôn được tôn tạo khang trang, tạo nên khung cảnh làng quê nông thôn mới tiến bộ, văn minh và giàu bản sắc.  

Thanh Nghị

(*) "Đệ Nhị Hoàng Giáp"- Hàng tiến sĩ đứng thứ hai trong những người đỗ tiến sĩ, dưới “nhất giáp” (thứ nhất) và trên "tam giáp" (thứ ba).

(**) Năm 2009, đình Thanh Nghĩa được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Theo Báo Hà Nam điện tử