Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến ứng phó với siêu bão Mangkhut

Tin theo lĩnh vực Tổng hợp  
Hội nghị trực tuyến ứng phó với siêu bão Mangkhut
Chiều ngày 14/9/2018, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến với 27 tỉnh, thành từ khu vực Bắc bộ đến Nghệ An về công tác ứng phó với siêu bão Mangkhut. Ông Trịnh Đình Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Xuân Đông - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố…

diem-cau-ha-nam.jpg

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào hồi 7h ngày 14/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 126,9 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Phi - líp - pin) khoảng 530 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17. Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km. Đến 7h ngày 15/9, vị trí tâm siêu bão ở khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc, 121,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông đảo Lu-Dông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Nam dự báo: Siêu bão Mangkhut có nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Hà Nam và sẽ gây ra thời tiết, thủy văn rất nguy hiểm. Từ khoảng ngày 17/9 đến 20/9 sẽ có mưa to, rất to và gió mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3-4.

Để ứng phó với siêu bão Mangkhut, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Nam đã có công điện khẩn số 05/CĐ-PCTT-TKCN hồi 8h00 ngày 14/9/2018. Trong đó yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố, Công ty TNHH 1 thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Công ty Điện lực tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão, thông báo về thông tin xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình và khả năng mưa lớn do ảnh hưởng của siêu bão để người dân chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản; chủ động tiêu rút nước đệm, sẵn sàng tiêu úng hiệu quả trong trường hợp mưa lớn kéo dài, đảm bảo nguồn điện phục vụ cho bơm tiêu úng và thông tin liên lạc. Các địa phương bố trí lực lượng tuần tra, canh gác 24/24 tại các điểm xung yếu và chuẩn bị phương tiện vật tư để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu xảy ra; khẩn trương thông tin kịp thời đến các tổ chức có hoạt động trên sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy, các bến đò ngang biết thông tin xả lũ và mưa lớn do ảnh hưởng của siêu bão để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.

pho-thu-tuong-sua.jpg

             Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương cần chủ động xây dựng phương án ứng phó, chú trọng về lực lượng, phương tiện, vật tư để ứng phó kịp thời, có hiệu quả nhất; thường xuyên cập nhật thông tin về cơn bão.

Đối với khu vực trên biển, cần công bố vùng biển nguy hiểm khi bão vào; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện trên biển khi bão vào như hướng dẫn neo đậu tàu thuyền an toàn khi bão vào, chủ động sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm.

Đối với trên đất liền cần đảm bảo an toàn cho người dân, trong đó rà soát lại tất cả các điểm dễ sạt lở để chủ động sơ tán người dân. Cùng với đó cần đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng, nhà cửa của người dân, các công trình sản xuất; đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp; chủ động phương án đảm bảo an toàn hồ đập, hệ thống đê điều, chủ động các phương án ứng phó sự cố tìm kiếm cứu nạn. Các cơ quan truyền thông tiếp tục đưa thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời diễn biến cơn bão./.