Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển kinh tế trang trại ở Duy Tiên

Tin theo lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và thủy lợi  
Phát triển kinh tế trang trại ở Duy Tiên
Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, nguồn lao động... những năm qua, huyện Duy Tiên luôn quan tâm, khuyến khích nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại (KTTT), hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại nguồn thu nhập cao, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Mộc Bắc là xã phát triển đàn bò sữa lớn nhất huyện Duy Tiên. Hiện, toàn xã đã quy hoạch 03 khu trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung rộng 54 ha. Để khuyến khích các hộ phát triển trang trại chăn nuôi bò sữa, chính quyền xã đã hỗ trợ quy hoạch khu trang trại, làm đường, cấp điện, nước đến tận trang trại. Anh Trần Văn Nam, thôn Dĩ Phố, xã Mộc Bắc chia sẻ: Gia đình tôi bắt đầu chăn nuôi bò sữa từ năm 2009, vượt qua rất nhiều khó khăn, đến nay tổng đàn bò của gia đình là 46 con. Để bảo đảm nguồn thức ăn cho bò, gia đình tôi trồng 05 mẫu cỏ, 07 mẫu ngô, giải quyết việc làm cho 03 lao động địa phương. Mỗi tháng, trừ chi phí, gia đình thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng.

Thực hiện chủ trương dồn đổi, tích tụ ruộng đất, gia đình anh Phạm Văn Nam, thôn Đọi Tam, xã Đọi Sơn đã thuê lại 10 ha đất nông nghiệp trên địa bàn trong thời hạn 10 năm để mở rộng quy mô sản xuất trang trại. Anh Phạm Văn Nam cho biết: Gia đình tôi phát triển KTTT tổng hợp (cấy lúa, nuôi vịt, thả cá, trồng sen) từ năm 2004 với khoảng 03 ha nhận thầu. Thấy hiệu quả kinh tế, gia đình tiếp tục nhận thầu đất nông nghiệp của các hộ xung quanh, mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, tổng diện tích đất trang trại của gia đình vào khoảng 22 ha (tính cả 10 ha đất mới tích tụ). Có diện tích đất sản xuất lớn, anh Nam đầu tư mua máy móc, đưa cơ giới vào sản xuất để giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trên đây là hai trong nhiều mô hình phát triển KTTT của huyện Duy Tiên. Thời gian qua, cùng với việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm khuyến khích người dân phát triển KTTT, huyện Duy Tiên đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hiệu quả phong trào thi đua sản xuất. Huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ như: Hỗ trợ làm đường giao thông vào trang trại; xây dựng Đề án Phát triển cây ăn quả; hỗ trợ nông dân mua cây, con giống, vật tư; tạo cơ chế thuận lợi cho các chủ trang trại được vay vốn để phát triển sản xuất, hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp... Nhờ vậy, nhiều hộ đã thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình KTTT theo hướng chuyên canh, đa canh; ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt việc phát triển KTTT còn giúp các xã hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Hiện Duy Tiên có 125 trang trại đạt tiêu chí mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong đó có 106 trang trại chăn nuôi, 10 trang trại thủy sản, 02 trang trại trồng trọt và 07 trang trại tổng hợp. Ngoài ra, toàn huyện còn hàng trăm hộ gia đình sản xuất theo mô hình trang trại nhưng chưa đạt tiêu chí về quy hoạch hoặc thu nhập hàng năm không bền vững. Các trang trại cho doanh thu bình quân đạt từ 300 - 400 triệu đồng/năm, nhiều trang trại phát huy được lợi thế, mang lại hiệu quả kinh tế cao, doanh thu từ 1 - 2 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, các trang trại góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 450 lao động với thu nhập bình quân 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Tiên cho biết: Đẩy mạnh phát triển KTTT, bên cạnh việc duy trì và phát triển các trang trại hiện có, thời gian tới, huyện tiếp tục chú trọng phát triển các loại hình trang trại tổng hợp và trang trại chuyên canh về chăn nuôi bò sữa, cây ăn quả... Thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất của tỉnh, huyện sẽ đẩy nhanh việc quy hoạch, từ đó hình thành các vùng sản xuất, mô hình KTTT có diện tích lớn tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất, tạo ra chuỗi liên kết trong sản xuất.

Có thể nói, mô hình KTTT trên địa bàn huyện Duy Tiên đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình phát triển KTTT vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đó là: Quy mô phần lớn trang trại còn nhỏ, các trang trại phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện nên hiệu quả kinh tế vẫn còn ở mức khiêm tốn; hoạt động của các trang trại còn thiếu các mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ (trừ các trang trại chăn nuôi bò sữa); việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc cung - cầu thị trường nên còn nhiều rủi ro; việc tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho các trạng trại đủ điều kiện để quản lý theo quy định chưa được nhiều; công tác bảo vệ môi trường chưa đảm bảo...

Khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới, huyện Duy Tiên tiếp tục kiến nghị với UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển trang trại, ưu tiên xây dựng các công trình hạ tầng như thủy lợi, giao thông, điện... tại các điểm quy hoạch phát triển KTTT. Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích và định hướng đúng, kịp thời để các mô hình KTTT trên địa bàn huyện có điều kiện phát triển, mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao./.

Theo Báo Hà Nam