Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quy hoạch du lịch để thu hút đầu tư

Tin theo lĩnh vực Văn hoá, thể thao và du lịch  
Quy hoạch du lịch để thu hút đầu tư
Ngày 7/9/2018 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1606 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định phê duyệt là căn cứ để đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng và cả nước.

Du lịch Hà Nam được xác định là sự kết hợp của các loại hình du lịch sinh thái, sáng tạo và nhân văn với các dòng sản phẩm chính: Du lịch sinh thái - tâm linh, du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh, du lịch giải trí… cùng với các dòng sản phẩm du lịch hỗ trợ như: du lịch nông thôn, nông nghiệp sạch; du lịch hội nghị, hội thảo, thể thao… 

Không gian phát triển du lịch Hà Nam được phát triển theo hai trục và bốn khu vực. Trục nhân sinh Bắc - Nam phát triển các sản phẩm du lịch về khoa học, các sản phẩm sáng tạo, y tế, hội nghị, hội thảo; trục sinh thái Đông - Tây phát triển các sản phẩm về sinh thái, tâm linh, văn hóa, nông nghiệp, thể thao, giải trí. Các sản phẩm được xây dựng trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị sinh thái và văn hóa truyền thống.

Khu vực du lịch hướng vào khai thác các sản phẩm đặc trưng. Khu vực 1 bao gồm các huyện Kim Bảng, phía Tây thành phố Phủ Lý và phía Tây sông Đáy hướng khai thác là du lịch sinh thái - tâm linh, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - khám phá, du lịch sinh thái sông nước, du lịch thể thao, giải trí. 

Khu vực 2 bao gồm: phía Đông huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục du lịch tham quan di tích danh thắng, du lịch tìm hiểu văn hóa làng nghề, du lịch lễ hội tâm linh, du lịch nông thôn, nông nghiệp sạch, du lịch ven sông Hồng. Khu vực 3 bao gồm huyện Duy Tiên và Đông Bắc huyện Kim Bảng du lịch giải trí - sáng tạo, các sản phẩm du lịch hội nghị, hội thảo, thể thao. Khu vực 4 bao gồm thành phố Phủ Lý và một phần huyện Bình Lục, Thanh Liêm du lịch y tế, du lịch hội nghị, hội thảo, thể thao, các điểm trung chuyển.

tamchuc-08_58_26_940.jpg 

Khu du lịch Tam Chúc (Ba Sao , Kim Bảng). Ảnh: Thế Tuân

​Từ các trục, khu vực và các sản phẩm được quy hoạch như trên đã có 67 chương trình, đề án, dự án thuộc 4 nhóm được ưu tiên thu hút đầu tư từ nay đến năm 2030. Nhóm dự án phát triển kết cấu hạ tầng tập trung vào xây dựng, nâng cấp các tuyến đường dẫn đến các khu, điểm du lịch của tỉnh, nhất là Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc. 

Nhóm dự án thuộc Khu du lịch quốc gia Tam Chúc tập trung vào các điểm du lịch phụ trợ và các sản phẩm du lịch đặc trưng. Nhóm các dự án phát triển các khu du lịch khác, các cơ sở vật chất phục vụ du lịch tập trung vào các dự án phát triển sân golf, các công viên chuyên đề, khu tổ hợp hội nghị, các khu, điểm du lịch. 

Bên cạnh các điểm du lịch đã có thương hiệu như đền Trần Thương, Lảnh Giang, Bà Vũ, chùa Bà Đanh - núi Ngọc, Khu lưu niệm Cát Tường, chùa Long Đọi Sơn… các dự án khác cũng được ưu tiên đầu tư như: Khu lưu niệm Đức Bản, điểm văn hóa du lịch chùa Tiên, làng nghề thêu ren Thanh Hà, khu văn hóa vật võ Liễu Đôi và các dự án phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp - sinh thái, du lịch đường sông, công viên lịch sử nông thôn Việt Nam thế kỷ 19… 

Và nhóm cuối cùng là nhóm các kế hoạch chương trình, đề án phát triển du lịch, trong đó tập trung vào nguồn nhân lực du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, môi trường du lịch, quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch…

Việc xác định và chi tiết quy hoạch tổng thể du lịch Hà Nam sẽ giúp việc thu hút vốn đầu tư vào phát triển du lịch được đẩy mạnh. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, các giải pháp như tăng cường sử dụng tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, phát hành trái phiếu công trình, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, xây dựng “Quỹ phát triển du lịch tỉnh Hà Nam", quy hoạch quỹ đất phát triển du lịch là những giải pháp thu hút các nguồn lực đầu tư. Cùng với đó, việc mở rộng các hoạt động tư vấn hỗ trợ đầu tư, xây dựng các danh mục kêu gọi dự án đầu tư; đẩy mạnh liên kết, xúc tiến quảng bá để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân cũng được đề ra trong nhóm giải pháp về đầu tư.

Riêng cơ chế đầu tư vào phân khu chức năng thuộc Khu du lịch Tam Chúc, vừa qua Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã có những đề xuất, kiến nghị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số cơ chế thu hút đầu tư. Cụ thể, địa phương sẽ đảm nhận kinh phí giải phóng mặt bằng đối với các hạng mục hạ tầng khung đầu tư. 

Đối với khu tâm linh (cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp) giao đất không thu tiền sử dụng đất. Đối với các khu sử dụng đất nhằm mục đích kinh doanh việc cho thuê đất, thuê đất có mặt nước thời gian không quá 50 năm. Đối với những dự án đặc thù, đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật đầu tư, đất đai thì có thể đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép thuê đến 70 năm. Giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với khu đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh. Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các khu chức năng, tùy theo khả năng ngân sách, tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí để nhà đầu tư thực hiện và nhiều chính sách ưu đãi về thuế khác. 

Với các nhà đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh, bảo tồn sinh thái trong các khu chức năng được hưởng các ưu đãi về đất theo Nghị định 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các ưu đãi về thuế. Các dự án sử dụng từ 500 lao động trở lên được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. 

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ có hỗ trợ về đào tạo lao động, về thông tin quy hoạch, về ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư. Có quy hoạch chi tiết cũng như nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư hiện Khu du lịch Tam Chúc đã được chọn làm điểm đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên hiệp quốc năm 2019. Với nhiều chủ trương, cơ chế và giải pháp đồng bộ, hy vọng du lịch Hà Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành ngành công nghiệp “không khói", đóng góp tích cực vào sự phát triển KT - XH của địa phương./.


Chu Bình Theo Bào Hà Nam điện tử